Friday, June 29, 2007

Tại sao gọi đó là nghề thầy tu quốc doanh ?

Láo như Vẹm - Láo như Vẹm

Láo như Vẹm

Caubay

Nói láo cũng có trăm đường, hầu hết đều đáng ghét nhưng đôi khi cũng có cái... đáng thương. Ví dụ như anh có anh chàng đi cắt cỏ chiều về nhà mà áo quần trắng tinh, cà vạt không đeo mà nhét túi, da thịt không thơm mùi cỏ mà thơm mùi nước hoa Channel No. 5, bị vợ xách tai hỏi bèn đổ thừa rất bảnh là tại bà chủ tóc vàng hôm nay rửng mỡ, xức nước hoa đậm quá đến nỗi thơm lừng cả khu vườn làm anh thơm lây. Láo như vậy mà học đòi đèo bồng thì rõ là đại vụng. Nhưng đó không phải là chuyện bà con mình muốn nghe trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, vì thế Caubay xin nói về cái láo khác, láo này có tầm cỡ thế giới, cái láo của nhà cầm quyền cộng sản Việt nam.

Kinh nghiêm nghe cộng sản nói láo của Caubay có lẽ không nhiều bằng các bậc đàn anh hay các vị đã sống ở miền Bắc, tuy vậy cũng đủ để sau này hoàn toàn nhứt trí với ông cựu tông tông của miền Nam: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”. Thành tích nói láo của cộng sản cũng đã đi vào văn học, ít nhất là với bài thơ nổi tiếng sau đây mà Caubay, vốn sính thơ, thuộc nằm lòng mà quên tác giả:


Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ôi
Chiến khu để của chú khiên rồi
Thi đua sao cứ thua đi mãi
Kháng chiến lâu ngày khiến chán thôi


Có lẽ nhờ bài thơ này mà mới có câu tục ngữ “láo như vẹm”.

Ở tuổi thiếu niên, Caubay bắt đầu nghe cộng sản nói láo khi lén “ông già” nghe đài phát thanh Hà Nội chơi cho… biết. Đài Hà Nội là tiếng nói chính thức của nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa. Không biết đồng bào miền Bắc và các cán binh cộng sản lúc ở trong rừng có tin về các thông tin của đài này hay không, nhưng đối với Caubay thì nghe rất nực cười. Thí dụ như mỗi ngày phe ta đều hạ hàng trăm máy bay Mỹ, giết cả ngàn tên Ngụy. Đồng bào ở thị xã này, tỉnh lỵ nọ vùng lên giết bọn ác ôn, làm chủ thị xã… Láo lếu nhất là rất nhiều lần sự việc xảy ra ở ngay thị xã mình đang sống mà Caubay hổng hay! Càng nghe đài Hà Nội, càng hiểu về cộng sản nhiều hơn và tất nhiên “chạy mặt” cộng sản nhiều hơn, dù ở tuổi non nớt. Thì ra khi cộng sản nói một điều gì họ không nói cho người trong cuộc mà cho những người không biết về điều ấy. Thí dụ như thông tin về miền Nam thì họ chỉ cần cho đồng bào miền Bắc nghe và ngược lại. Dù biết là láo, đôi khi Caubay tạm cho rằng đó là kỹ thuật tuyên truyền của thời chiến tranh.

Cộng sản cần nói gạt để bọn Mỹ Ngụy sợ mất vía chơi và cũng để lên tinh thần chiến sĩ ta đặng hy sinh nhiều hơn nữa cho Bác và Đảng; chứ lẽ nào một nhà nước đương quyền lại đi nói láo với nhân dân thô bỉ như vậy. Caubay tạm cho phép mình suy diễn như thế cho đến ngày vinh hạnh sống dưới ánh sáng quang vinh của Đảng.

Những ngày sau năm 1975, cán bộ cộng sản từ miền Bắc được phân công nắm giữ các cương vị then chốt trong mọi cơ cấu của xã hội miền Nam. Cán bộ cộng sản, dù là thành phần “trí thức” như giáo sư ở trường đại học, cũng nói láo rất trắng trợn và tự nhiên đến nỗi đám sinh viên miền Nam đều rỉ tai nhau đồng ý rằng “mấy chả” không biết là đang nói láo, đáng thương hơn là đáng ghét. Họ ngu chứ không phải họ láo, Caubay lại phải tự nhủ như thế để tìm nguồn an ủi, cho đến một ngày.

Đó là ngày nhà nước đổi tiền lần thứ hai. Ngày đó, Caubay không nhớ năm nào, sáng sớm ngồi uống cà phê vỉa hè cùng vài người bạn, xầm xì với nhau là sẽ có đổi tiền. Kinh nghiệm trắng tay sau lần đổi tiền lần thứ nhất đã làm cho dân miền Nam luôn luôn bị ám ảnh và lo sợ. Thấy thằng bé bán báo đi ngang, kêu mua một tờ báo Sài Gòn Giải Phóng mới nguyên trong ngày và đọc hàng tít lớn nơi trang nhất đại khái: “Chính quyền cách mạng cam kết không có đổi tiền và lên án bọn xấu tung tin đồn nhảm”. Cả bọn thở phào nhẹ nhỏm! Ba cái “thằng phản động ngoan cố” chỉ giỏi nói…láo chớ làm gì có đổi tiền. Một tiếng đồng hồ sau, cả thành phố bị giới nghiêm và lệnh đổi tiền được ban hành. Bạn đọc có thể kiểm chứng việc này trong thư khố, và “may mắn” hơn nữa, ở ban biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng vì báo này vẫn còn hoạt động.
Sau này dù đã đọc, đã nghe vô vàn cái dối trá khác của cộng sản, không hiểu tại sao Caubay vẫn luôn nhớ về cái bản tin bịp này. Có lẽ đó là cái “sốc” mà mình trực tiếp chứng kiến. Nó vô liêm sỉ, trắng trợn, sờ sờ, lồ lộ ra đó. Một chính quyền luôn luôn tự xưng là cách mạng, của nhân dân, lại đi nói láo với nhân dân ngay trên cơ quan ngôn luận chính thức của mình. Khi nhắc lại chuyện này e rằng có người cho đó là biện pháp cần thiết đối phó với kẻ xấu. Nếu thế thì toàn dân xấu cả, chỉ có đảng là tốt, bởi vì không có người dân nào bằng lòng để bất kỳ ai ăn cướp đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình. Lừa gạt người dân để bất ngờ thâu tóm tất cả tiền bạc dành dụm của họ và chỉ cho họ đổi một số tiền nhất định, phần còn lại nhà nước giữ! Số tiền này và nhiều khoản đóng góp cho công trái khác không biết hôm nay có người dân nào nhận lại được chưa? Trong vô vàn cái láo của chính quyền cộng sản, đây là cái láo có tính cách nhà nước. Khốn thay, nó không chỉ xảy ra một lần, mà dai dẳng, mà triền miên cho đến hôm nay!

Hành động lừa bịp của cộng sản xảy ra mỗi ngày, khắp mọi nơi, từ phủ chủ tịch nuớc cho đến hang cùng ngõ hẽm. Hãy mở một tờ báo hay một trang web của cộng sản và mọi người đều dễ dàng tìm thấy rất nhiều điều sai sự thật. Ở đâu có đảng bộ, có chính quyền nhân dân, có báo đảng, ở đó có nói láo và cũng chưa hề có triệu chứng chấm dứt, dù trong thời đại thông tin toàn cầu rất khó bưng bít này. Đó là một sự thật rất dễ thấy. Ngoài cái láo đã đi vào lịch sử của nhà báo Trần Dân Tiên khi viết rằng ông ta chưa hề gặp bác Hồ, Caubay trong tiểu luận này cũng bắt chước cách bác dạy 5 điều mà xin đơn cử 5 điều láo khoét tiêu biểu của nhà cầm quyền Việt nam hiện nay nhằm hầu chuyện bà con.

Một là cái láo tổng bí thư hay còn gọi là láo hiến pháp. Điều 4 hiến pháp khẳng định Đảng Cộng sản là “người” lãnh đạo duy nhất và đó là do sự lựa chọn của toàn dân. Điều này rất cũ, nhiều người đã nói tới nên xin miễn bàn, chỉ cần biết chắc chắn là nó rất láo.



Hai là cái láo quốc trưởng. Chủ tịch nhà nước Nguyễn minh Triết đã nhiều lần khẳng định là ở Việt nam hiện nay không có người bất đồng chính kiến. Có nơi nào trên địa cầu này có được điều đó hay không, huống hồ gì ở Việt nam, nơi vừa trải qua cuộc chiến tương tàn đẫm máu, nơi mà mỗi người dân đều mong mỏi có cơ hội ra đi khỏi nước. Đã là một quốc trưởng, mỗi hành động, lời nói của ông đều ảnh hưởng đến danh dự quốc gia. Nếu là một người biết ngượng, thà ông ngậm miệng còn hơn là trơ trẽn phát biểu như trên, nhất là khẳng định với các chính khách, với giới truyền thông trên thế giới một điều ngô nghê như thế.

Ba là cái láo thủ tướng. Thành tích nói láo của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất nổi bật trong lần trả lời trực tuyến vừa qua khi ông tự cho mình là người yêu chuộng sự thật và ghét sự giả dối. Ông đã công khai mạ lỵ chính ông ngay sau khi phát biểu rằng tuyệt đại đa số nhân dân bằng lòng với quyết định cấm báo tư nhân của ông. Và gần đây nhất, trong khi tung hê về việc cải tổ hành chánh nhằm phục vụ nhân dân hữu hiệu hơn, ông thủ tướng lại vừa phổ biến chỉ thị cấm công chức các cấp không được trao đổi thông tin với giới truyền thông. Trên thế giới có lẽ không có nơi nào có cái chỉ thị kỳ quặc như thế. Việc gì cũng phải từ lỗ miệng của trung ương các ông thì làm sao “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Lời nói không đi đôi với việc làm thì gọi là gì nếu không là bịp bợm, láo khoét.

Bốn là láo quốc hội. Thống kê của tất cả các cuộc bầu cử Quốc hội tại Việt nam đều cho con số cử tri đi bầu rất đông, đến gần 100%, và các người trúng cử cũng ở tỷ lệ gần như tuyệt đối. Ai bảo cộng sản khôn ngoan giỏi tuyên truyền, che đậy, chứ chỉ riêng việc này cũng đã chứng tỏ họ láo một cách rất ngu xuẩn, lố bịch, đứa con nít cũng không tin được.

Năm là láo ngoại giao. Nhà cầm quyền Việt Nam thường cho rằng mình có chính nghĩa, tôn trọng nhân quyền và được sự đông tình ủng hộ, quí trọng của hầu hết các chính phủ và nhân dân trên thế giới, kể cả đại đa số đồng bào tỵ nạn (cộng sản, sic!) ở hải ngoại. Họ cho rằng đồng bào hải ngoại, nhất là ở Mỹ, lúc nào cũng hướng về quê nhà và ủng hộ chế độ hiện tại, chỉ có thiểu số cực đoan còn chống phá nhà nước ta. Thế nào là thiểu và đa. Một vài kẻ nằm vùng, cơ hội là đa số ư? Không phải cán bộ cộng sản xuất thân từ trong rừng, vô học mới phát biểu láo lếu như thế; bà Tôn nữ thị Ninh trong thời gian gần đây khi đả kích bà dân biểu Loretta Sanchez về việc bà này lên tiếng phản đối Hà Nội vi phạm nhân quyền, đã phát biểu:


Điều đáng tiếc là bà Sanchez đã để bản thân trở thành con tin của nhóm cử tri lỗi thời, thay vì quan tâm đến đa số cử tri là những người hướng tới tương lai nhưng lại không lớn tiếng.


Bà Ninh hẳn không ngu đến độ không hiểu hệ thống chính trị và tâm lý cử tri của người Mỹ, bà ta chỉ láo thôi. Nếu vì một thiểu số “cử tri lỗi thời” thì việc gì bà dân biểu Sanchez phải lên tiếng bênh vực để mất phiếu của đa số “hướng về tường lai”, đó là chưa nói đến cử tri người Mỹ bản xứ, họ rất chú trọng đến tính lương thiện của các vị dân cử. Đó là cách nói láo không mấy gì khôn và chỉ nhằm lừa gạt đồng bào trong nước.

Tóm lại, láo của cộng sản là cái láo truyền kiếp, nghe riết hóa nhàm, để thay đổi không khí và chấm dứt bài viết, Caubay xin kể bà con nghe chơi một chuyện tiếu lâm:


Ngày xưa có một ngườI tên là Láo, tính lăng nhăng, nhiều vợ nên lâm cảnh lắm mối tối nằm không, con cái vô tình không nhận cha nên về già sống với đứa cháu kêu bằng bác, khi bịnh gần lâm chung bèn kêu đứa cháu lại dặn rằng:

– Cháu à, ông thân sinh của bác khi xưa là người ghiền rượu nặng nên khi sinh bác ra ổng sợ èo uột khó nuôi nên đặt tên bác là Láo cho ma quỉ nó chê. Tên này xấu quá nên sau khi bác chết cháu đừng khắc tên thật của bác trên mộ bia mà thiên hạ chê cười, bác e khó bề đi gặp các cụ.
– Kính thưa bác, vậy chớ dùng tên gì để ai cũng biết đó là mộ của bác?
– Cháu cứ khắc lên mộ bia hàng chữ như vầy:

“Đây là nơi an nghỉ của một người Cộng sản chân thật lừa gạt (ho ho, he he, hi hi,...)

Đứa cháu y lời và quả nhiên sau đó ai đi ngang qua nhìn mộ bia ông này cũng đều lắc đầu than: Láo.
Láo. Láo. Láo. Láo. Láo.

San Diego – June 2007

Những ngày chờ Chủ tịch nước đến thăm để nghe… láo chơi.

Sunday, June 17, 2007

Hội thảo "Lên Án Tội Ác của Chủ Nghĩa Cộng Sản" tại Toronto



(Toronto-VNN) Buổi hội thảo "Lên Án Tội Ác của Chủ Nghĩa Cộng Sản", do tỗ chức The Baltic Federation of Canada tỗ chức, đã được khai mạc vào lúc 1 giờ ngày Thứ Hai, 11 tháng 6 vừa qua tại hội trường Resurrection Parish Hall, số 1 đường Resurrection, Toronto với sự tham dự đông đảo các đại diện của các nước vùng Baltic và Đông Âu, gồm Latvia, Estonia, Lithuania, Ba Lan, Belarus, Hung Gia Lợi và hai quốc gia Á châu tham dự là China và Việt Nam.


Trong buổi hội thảo, diễn giả của 6 quốc gia vùng Baltic và 1 quốc gia vùng Đông Nam Á là Việt Nam đã lên trình bày về những tội ác mà chế độ cộng sản đã tạo ra trong suốt thời gian áp đặt ách thống trị lên các dân tộc này. Những kinh nghiệm đau thương đầy máu và nước mắt đã được kể ra qua lời những nhân chứng sống.

Chủ nghĩa cộng sản qua bàn tay đẫm máu của những con người cộng sản mù quáng đã giết hại hàng triệu người trên điạ cầu này để "tiêu diệt kẻ thù của nhân dân" ! Những tội ác đã xảy ra ở vùng Baltic xa xăm, và Đông Âu hàng chục năm trước cũng diễn ra giống như ở Việt Nam hàng chục năm sau.

Chủ nghĩa cộng sản đã đẻ ra những con người tàn ác, không tình người chỉ biết đến đấu tranh giai cấp, dùng bạo lực để ép buộc con người đi lên "thiên đường" cộng sản. Gần một trăm năm sau, chủ nghĩa vô nhân này đã bị đa số các quốc gia trên thế giới cho vào sọt rác của lịch sử. Chỉ còn bốn dân tộc bất hạnh là Trung Hoa, Việt Nam, Bắc Hàn và Cuba. Được biết, các dân tộc vùng Baltic và Đông Âu đã may mắn thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản, nhưng vì nhận thức được mức độ nguy hiểm tàn ác của chủ nghĩa này nên hàng năm họ vẫn tổ chức những buổi hội thảo để cảnh giác những thế hệ sau và truyền lại những bài học xương máu của chính họ.

Tham dự buổi Hội Thảo, diễn giả Việt Nam, Bà Đặng Thanh Chi, Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân, đã trình bày về những vi phạm nhân quyền của Cộng Sản Việt Nam mới đây qua việc đàn áp các nhà dân chủ ôn hoà trong nước. Phần trình chiếu dương ảnh vể hình ảnh của Cha Lý bị bịt miệng trước tòa án, hình Luật sư Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân, LS Lê Quốc Quân, LS Trần Thị Thùy Trang, LS Trần Quốc Hiền, nhà báo Lê Nguyên Sang, Bác sĩ Nguyển Bắc Truyển... đã làm những người tham dự xúc động. Bà cũng bày tỏ sự hối tiếc rằng bà đã không thể trình bày với cử tọa những thảm cảnh của Việt Nam như những câu chuyện của quá khứ, như các diễn giả trước bà, bởi lẽ những điều bà vừa trình bày là những việc đang xẩy ra ngay trong hiện tại, hằng ngày tại Việt Nam. Và bà kêu gọi cử tọa hãy cùng sống lại những giây phút đàn áp, khủng bố, chà đạp nhân phẩm của chế độ CS đối với chính mỗi cá nhân họ, với gia đình, thân nhân họ, với bằng hữu, láng giềng, và cả dân tộc họ, để hiểu rằng vì sao dân tộc Việt Nam ngày hôm nay đang nỗ lực đấu tranh để chấm dứt độc tài CS, và xây dựng lại một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ. Bà cũng kêu gọi đại diện các cộng đồng vùng Baltic và Trung Quốc hiện diện, hãy vì những bài học kinh nghiệm của quá khứ, để phối hợp nỗ lực chung hầu giải quyết những vấn nạn cộng sản hiện tại ở 4 quốc gia còn sót lại, để cùng xây dựng một thế giới không còn nạn nhân cộng sản trong các thế hệ tương lai.


Kế tiếp là phần thuyết trình của Tiến Sĩ dân Biểu Patrick Boyer, tác giả quyển sách "The Face of Communism in Asia Today". Ông đã đưa ra những nhận định của chính phủ Canada trong quan hệ với các quốc gia cộng sản, vấn đề Nhân Quyền luôn là mối ưu tư của chính phủ trong tất cả quan hệ song phương trên mọi lãnh vực. Ông cũng kể lại một kinh nghiệm với những người cộng sản Việt Nam, họ là những người không có khả năng chấp nhận bị chỉ trích. Những người chỉ trích chế độ luôn bị gán cho tội danh là "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân"! Qua câu chuyện này, Dân Biểu Patrick đã cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của ông về bản chất của chế độ cộng sản Việt Nam.


Phần trình bày của Dân biểu Göran Lindblad, đến từ Thuỵ Điển, người đã soạn thảo và vận động thành công Quốc Hội Âu Châu đưa ra Nghị Quyết 1481 vào ngày 25 tháng 2 năm 2006 vừa qua, đã diễn ra hào hứng với sự thảo luận, góp ý từ nhiều người tham dự. Ông đã kể lại việc ông và phái đoàn dân biểu Thụy Điển công tác tại Hà Nội vào đầu tháng 3 vừa qua. Ông và phái đoàn Thụy Điển đã mưu trí qua mặt công an để có thể tiếp xúc được với vợ của LS Nguyễn Văn Đài và mẹ của LS Lê Thị Công Nhân, cùng nhà dân chủ trẻ Bạch Ngọc Dương.

Sau buổi gặp mặt này, ông đã chính thức phản đối các hành vi đàn áp dân chủ với Phó Thủ Tướng Việt Nam, Phạm Gia Khiêm, cũng là Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, yêu cầu thả tự do ngay lập tức 2 vị luật sư này cũng như tất cả các tù nhân chính trị khác. Khi về lại Thuỵ Điển, ông đã bị mật vụ Hà Nội quấy nhiễu nhiều lần, và ông cho rằng nhà nước CSVN đã tự làm trò cười khi cho kẻ quấy nhiễu hăm doạ sẽ bắt bỏ tù ông ba năm về tội thiếu thiện chí với nhà nước CSVN (!). Ông cũng nhắc đến bước tiến đáng kể trong tiến trình dân chủ hóa của Việt Nam, rằng tại Việt Nam, ngày nay đã có nhiều tổ chức đấu tranh, đảng phái chính trị hoạt động đối đầu trong nước với đảng CSVN. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các nhà dân chủ Việt Nam đã liên kết lại và vui mừng khi thấy nay lại có thêm sự liên kết giữa các dân tộc đã và đang chịu đựng những đau khổ do chủ nghĩa cộng sản tạo ra. Ông cho biết ngày hôm sau, 12 tháng 6, 2007, một đài kỷ niệm các nạn nhân của chế độ cộng sản sẽ được khánh thành tại Washington DC, và những tội ác này sẽ được toàn thể nhân loại ghi nhớ.


Trong phần đúc kết, ông Avo Kittask đại diện ban tổ chức đã đưa ra một kế hoạch để thực hiện một đài kỷ niệm tương tự tại Canada trong những ngaỳ sắp tới. Và để cảnh giác dân chúng Canada về sự độc ác của chủ nghĩa này, ngày 24 tháng 7 tới đây, sẽ có buổi hội luận về chủ nghĩa cộng sản trên các đài truyền hình Canada do Michael Coran điều hợp, với thành phần tham dự gồm có: Dân biểu Patrick Boyer, bà Đặng Thanh Chi, ông Gregorovich Andrew; và ông Leivat Laas .....


Buổi hội thảo đã chấm dứt vào lúc 7:00 tối sau bữa ăn tối theo khẩu vị vùng Baltic do ban tổ chức khoản đãi; và phần nghi thức tưởng niệm các nạn nhân cộng sản tại nhà thờ Resurrection Church.

Saturday, June 09, 2007

Việt Nam cấm công chức các cấp không được quan hệ, trả lời báo giới


2007.06.07

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa phổ biến chỉ thị cấm công chức các cấp không được cho tin, trao đổi, lên tiếng, giải thích hay quan hệ với báo giới. Quyết định nói rõ chỉ có cấp bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, và những quan chức được trung ương chỉ định mới có thể tiếp xúc với các cơ quan truyền thông, và báo đài.

Tại Việt Nam hầu hết các ngòi bút đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt và bị đặt dưới áp lực của đảng và nhà nước. AFP PHOTO

Tổng hợp tin tức gởi đi từ Hà Nội, Đỗ Hiếu xin gởi đến quý vị thêm chi tiết về những thông tin liên hệ đến quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam vẫn nắm quyền quản lý và kiểm soát mọi phương tiện thông tin đại chúng bao gồm báo chí, đài phát thanh, truyền hình, mạng Internet và luôn cả sinh hoạt phim ảnh, nhạc kịch và nghệ thuật.

Ngay sau khi quyết định cấm đoán công nhân viên, quan chức nhà nước không được tự động tiếp xúc, cung cấp tin tức cho nhà báo, một phóng viên từ Hà Nội nói rằng, thông tư này đi ngược lại chủ trương mà chánh phủ thường quảng bá và cổ võ trong sách lược cải tổ hành chánh, chấn chỉnh lề lối làm việc và trong sạch hóa guồng máy công quyền.

Dư luận bất bình

Một nhà báo khác sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh thì lo ngại là từ đây công việc của ông và các đồng nghiệp sẽ gặp lắm rào cản, khó khăn vì các quan chức nhà nước không thể hé môi khi các phóng viên tìm đến họ để dọ hỏi tin tức như trước đây.

Một nữ ký giả chuyên thực hiện phóng sự về xã hội và đời sống thì thấy rõ là rồi đây khi muốn hỏi han bất cứ điều gì thì nhà báo phải chạy qua bao nhiêu chặng đường, bao nhiêu cấp chức, mới tìm tới được một người có đủ thẩm quyền để cho mình những điều muốn biết.

Cho đến nay, nhà báo ở Việt Nam thường thu thập tin tức thông qua những viên chức cấp nhỏ hay cấp trung làm việc ở các bộ ngành trung ương hay chánh quyền cấp địa phương hoặc phía công an, cảnh sát.

Quy định mới ban hành không nói rõ về các biện pháp xử lý đối với những quan chức sai phạm tức là tự ý gặp gỡ, trao đổi với nhà báo mà không được cấp trên cho phép. Chỉ thị của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cấm đoán công chức từ nay không được tự ý tiếp xúc với nhà báo đã bị dư luận người Việt cũng như các tổ chức quốc tế tức khắc phản đối.

Ông Tâm Nghĩa, một người hành nghề truyền thông tại Pháp nói với đài RFA rằng, Việt Nam cũng như các nước khác theo chế độ cộng sản đều ngại người dân biết rõ sự thật, cho nên họ luôn tìm cách che dấu, bưng bít, nói dối.

Ông Đỗ Hồng, một nhà báo sinh hoạt tại Hoa Kỳ thì cho là chỉ thị của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tương tự như hành động linh mục Nguyễn văn Lý bị công an bịt miệng tại phiên tòa ở Huế. Hà Nội chỉ muốn loan báo những gì họ thấy có lợi cho họ, do đó việc che đậy hiện tượng tiêu cực, bê bối, đáng trách, cố ý xóa bỏ quyền tự do ngôn luận là điều không thể tránh khỏi.

Từ trong nước, bà Hòa một thính giả của Đài Á Châu Tự Do kể rằng, trên khắp đường phố giăng đầy khẩu hiệu cổ võ cho dân chủ, tận diệt tham nhũng, nhưng nhà nước lại tìm cách khóa miệng dân tình thì đây là chuỵên vô lý, vì e ngại người ta phanh phui, vạch trần những gì xấu xa trong lòng chế độ.

Từ Paris, ông Vincent Brossel thuộc Reporters Sans Frontiteres tức tổ chức phóng viên không biên giới nhấn mạnh rằng, quyết định mới đây của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một chủ trương độc đoán, một sự vi phạm rõ rệt của Hà Nội đối với những gì họ đã cam kết khi gia nhập WTO.

Đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ

Theo ông, Việt Nam ngày càng đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, và làm mất đi uy tín đối với công luận thế giới đang mạnh mẽ phê phán hành động đàn áp dân chủ xảy ra thời gian gần đây.

Mặt khác, ông Rolf Berfman đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội cũng đã công bố văn thư trả lời câu hỏi của các ký giả về việc này. Ông nói rằng các nhà báo và phóng viên cần phải được tạo điều kiện thuận lợi từ mọi ngành nghề, mọi nguồn gốc, xuất xứ khác nhau để họ thu thập, phân tích, tìm hiểu, điều tra hầu tiếp thu tin tức chính xác để phục vụ cho công chúng.

Đại sứ Berfman cũng nói thêm rằng, chỉ thị ngăn cấm công chức tại Việt Nam, không cho họ tiếp xúc với báo chí đã đi ngược lại chương trình tập huấn chuyên môn dành cho các nhà báo và phóng viên trong nước mà Thụy Điễn đã tận tâm xúc tiến và dồn mọi nỗ lực từ trên 7 năm qua.

Mục tiêu là huấn luyện giới truyền thông Việt Nam trợ giúp Nhà nước trong mục tiêu chống tham nhũng. Giờ đây với quy chế về người phát ngôn, báo chí xem như không có quyền thu thập tin tức về những điều bất thường xảy ra trong guồng máy công quyền nữa.

Báo chí Thụy Điển cũng cho hay là sắp tới đây tổng thanh tra nhà nước Việt Nam, ông Trần Văn Truyền, sẽ hướng dẫn phái đoàn quan chức cao cấp sang Hà Lan và Thụy Điển để học hỏi kinh nghiệm trong chiến dịch bài trừ tham nhũng, tệ đoan xã hội.

Theo dự kiến, các quan chức của Hà Nội sẽ thảo luận với chuyên gia nước bạn về vai trò của báo chí trong vấn đề tận diệt tham nhũng tại Việt Nam. Vào dịp đó, nếu có người nêu thắc mắc về quyết định vừa mới do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành, không biết phái đoàn Hà Nội sẽ giải trình ra sao?

Nếu không cho báo chí tìm hiểu qua mọi cấp công chức thì làm sao có thể phát hiện và chống tham nhũng qua những lời tuyên bố của phát ngôn nhân chính thức ?